Từ ngày 9/3/2021, Chính phủ đã phê duyệt việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) với thời gian thí điểm trong hai năm. Những thủ tục cuối cùng đang được hoàn tất để chuẩn bị cho việc cấp giấy phép thí điểm Mobile Money. Mobile Money hướng tới 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Trong đó, người dân ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa có thể thanh toán bằng tài khoản định danh.

Theo Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), hiện nay Mobile Money đã đánh dấu bằng nhiều dịch vụ ở các thị trường nơi có dân số đông tại châu Phi và châu Á. Đã có hơn 2 tỷ USD giao dịch trong thị trường này tại 95 quốc gia, trong đó vùng châu Phi hạ Sahara (Saharan Africa) chiếm phân nửa. Chi phí giao dịch qua Mobile Money thấp cùng với những dịch vụ xuyên biên giới vừa giúp người dùng tiện lợi và giúp các chính phủ kiểm soát được tiền lưu thông từ những người chưa có tài khoản ngân hàng.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ thanh toán qua Internet (đa phần gắn liền với dịch vụ thanh toán qua ngân hàng) vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý I/2021. Ở khu vực thành thị mới chỉ có 30% người dân sử dụng Mobile Banking, nên đối tượng phục vụ của ngân hàng điện tử vẫn còn lớn.

Mobile Money còn hạn chế chuyển tiền trong cùng nhà mạng so với kênh chuyển tiền đa dạng ở ví điện tử. Vì vậy, cần phát triển thêm các tiện ích như dịch vụ cho vay và huy động vốn. Điều này phù hợp với kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025 với mục tiêu ít nhất 70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện trên môi trường số.

Giao dịch bằng phương tiện này phù hợp với những thanh toán giá trị nhỏ khi mà tiền mặt vẫn chiếm 70% số lượng giao dịch. Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước, quý I/2021, giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 4,6 triệu tỷ đồng trên 395 triệu mặt hàng, tăng 78% về số lượng và 103% giá trị, trong khi giao dịch qua kênh Internet tăng trưởng 55,9% về số lượng và 28,4% giá trị, đạt 8,1 triệu tỷ đồng trên 156,2 triệu món hàng.

Ông Hoàng Thế Hưng – Phó Tổng Giám đốc EVNFinance cho rằng, hiện tại tiềm năng của thị trường này còn rất lớn. Phần lớn đối tượng là các tiểu thương, chợ truyền thống và các cửa hàng có giá trị giao dịch nhỏ song lại chưa có cơ chế quản lý giao dịch điện tử cụ thể cho các đối tượng này. Nếu có thể thay đổi được thói quen sử dụng và có cơ chế xác thực pháp lý phù hợp cho đối tượng này thì sẽ là một cú hích đáng kể cho nền công nghiệp giao dịch điện tử.

Hiện tại, EVNFinance đã có khả năng để cung cấp các gói vay giá trị thấp trong thời gian ngắn do đã áp dụng những công nghệ lõi đồng thời hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ thanh toán hàng đầu như Momo, ZaloPay, ViettelPay để đưa ra các giải pháp tài chính ngắn hạn cho khách hàng. Trong đó có Easy Credit là thương hiệu tài chính tiêu dùng của EVNFinance đã được thành lập từ năm 2018. Trong 3 năm hoạt động, Easy Credit đã có nhiều đột phá, mang thương hiệu tài chính số tiếp cận mọi người, mọi ngóc ngách trong cuộc sống với những ưu thế nổi trội và sản phẩm đa dạng.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch, đồng sáng lập Ví Momo - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cung ứng thanh toán rất thành công hiện nay nhận định, Mobile Money sẽ mở ra cơ hội mới cho các công ty fintech. Tuy nhiên để triển khai Mobile Money thành công, cũng như kinh tế số, cần phải có hệ sinh thái, đó là việc Nhà nước phải tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng để cho hoạt động rất mới đối với Việt Nam này phát triển

“Trên thị trường, các công ty viễn thông đã có hệ sinh thái cơ bản phục vụ khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông và các dịch vụ giá trị gia tăng khác, nhưng lại không có thể mạnh về thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ tài chính. Ngược lại, các công ty tài chính và cung ứng dịch vụ tài chính như EVNFinance, Momo… có thế mạnh về cung ứng dịch vụ tài chính, thanh toán điện tử, thương mại điện tử nhưng lại không có thế mạnh về hạ tầng công nghệ thông tin.

Nếu cho phép thí điểm Mobile Money, các công ty viễn thông và tài chính-ngân hàng, dịch vụ thanh toán hợp tác với nhau sẽ tạo ra hệ sinh thái lớn hơn, từ đó vừa phát triển được Mobile Money, vừa giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt và tận dụng tối đa hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có của các doanh nghiệp bưu chính và fintech”, ông Diệp phân tích.

Các chuyên gia kinh tế như TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Quang Thuấn – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, ông Dương Quốc Anh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội… đều bày tỏ sự ủng hộ đối với việc phát triển Mobile Money tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, đây sẽ là bước đi quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển tuy nhiên cần có sự tính toán, xem xét và đánh giá cẩn trọng để đảm bảo phát triển thành công.