Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, việc phát triển các dự án NLTT vẫn còn “điểm nghẽn” cần sớm được tháo gỡ. Trong đó, cần sớm có khung pháp lý đối với việc phát triển NLTT thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án, góp phần tăng cường tính minh bạch và giảm giá mua điện từ các dự án.

Thách thức

Theo ông Vượng, với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành trong khoảng 1 năm trở lại đây, Việt Nam trở thành một trong những thị trường NLTT sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Số liệu của Cục Điện lực và NLTT thuộc Bộ Công Thương ghi nhận, tính đến hết ngày 11/5/2020, Việt Nam có gần 6.000 MW điện NLTT đưa vào vận hành phát điện, bảo đảm cung cấp điện kịp thời cho nền kinh tế, giảm lượng điện chạy dầu giá cao và chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển bền vững, thu hút được lượng vốn xã hội lớn đầu tư vào hạ tầng ngành điện…

Tuy nhiên, ông Vượng cho biết, sự gia tăng với tốc độ nhanh chóng của nguồn năng lượng này đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, cơ chế giá điện… Cụ thể, hệ số sử dụng công suất của các nguồn NLTT (gió, mặt trời) tại Việt Nam chỉ khoảng 18 - 20%, thấp hơn đáng kể so với nguồn nhiệt than (khoảng 75%) và thủy điện (khoảng 40 - 50%). Ngoài ra, nếu NLTT tham gia sâu vào hệ thống, việc vận hành sẽ gặp những thách thức sau: chất lượng điện năng cũng có xu hướng xấu đi, hiện tượng điện áp nằm ngoài ngưỡng quy định sẽ tăng thêm, đặc biệt tại các khu vực tập trung nhiều nguồn và cách xa trung tâm phụ tải, quá trình mất cân bằng trong hệ thống có xu hướng xảy ra nhanh và mạnh hơn...

Là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển NLTT của Việt Nam, đến nay, Bình Thuận đã có hàng chục dự án điện gió và gần 100 dự án điện mặt trời được đầu tư. Tuy nhiên, đại diện Sở Công Thương Bình Thuận cho biết, phát triển dự án NLTT tại địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc. Điển hình là tình trạng các nhà đầu tư chưa đáp ứng về năng lực quản lý, năng lực tài chính, dự án phụ thuộc chủ yếu vào việc huy động nguồn vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng; đền bù giải tỏa gặp nhiều khó khăn… Đặc biệt, tình hình hạ tầng lưới điện đấu nối, truyền tải hiện nay không đủ khả năng giải phóng công suất phát điện.

Tương tự tại Cà Mau, dù được các nhà đầu tư quan tâm tiếp cận nghiên cứu, đề xuất nhiều dự án NLTT, song hiện nay việc triển khai tương đối chậm, không đảm bảo tiến độ đề ra. Một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra là do lưới điện truyền tải có nguy cơ không đáp ứng được nếu các dự án điện gió và điện khí hoạt động đồng loạt. Trong khi đó, việc bổ sung các dự án vào quy hoạch phát triển điện lực hiện nay còn khá chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Hà Văn Chương, Phó Giám đốc Điện lực Đắk Lắk cho biết, hiện việc phát triển điện mặt trời mái nhà đấu nối sau trạm biến áp tại địa phương đang gặp một số khó khăn, vướng mắc do đến thời điểm này Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg đã có hiệu lực được khoảng 1 tháng, song vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện.


Cần sớm ban hành khung pháp lý về đấu thầu phát triển năng lượng tái tạo

Trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện cho phát triển ngày càng hiện hữu, để thúc đẩy phát triển NLTT trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất áp dụng cơ chế đấu thầu cho phát triển nguồn NLTT thay thế cho cơ chế giá FIT (là các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn NLTT để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện) nhằm tăng tính cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Đại diện Cục Điện lực và NLTT cũng chia sẻ, cơ chế giá FIT hiện nay có một số hạn chế như: các dự án tập trung phát triển tại khu vực có tiềm năng tốt dẫn đến quá tải lưới điện tại một số khu vực, gia tăng cạnh tranh về đất đai; giá điện FIT khó có thể phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi giá công nghệ của thị trường nên thường dẫn tới sự phát triển “nóng” ngoài mong muốn. “Vì vậy, chúng ta cần chuyển sang cơ chế mới để khắc phục các hạn chế này”, đại diện Cục Điện lực và NLTT nhấn mạnh và cho rằng, đây là cơ chế lựa chọn nhà đầu tư một cách công khai, minh bạch, công bằng, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có đủ năng lực tham gia phát triển dự án.

Đề cập về lợi ích của đấu thầu phát triển các dự án NLTT (điện mặt trời), một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới công bố đầu năm 2020 cho thấy, cơ chế giá FIT cũng đã làm phát sinh những vấn đề mới, trong đó có hiện tượng các dự án điện mặt trời phải hoạt động dưới công suất phát điện lắp đặt (giảm phát). Theo đó, phương pháp tiếp cận này sẽ giải quyết được vấn đề về giảm phát cũng như cải thiện chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án điện mặt trời sẽ mang lại nhiều lợi ích, nhất là đảm bảo sự thành công cao của dự án nhờ đánh giá được năng lực nhà đầu tư.

(Theo Báo Đấu Thầu)