Nhà đầu tư ngoại “tấp nập” tìm hiểu, đánh tiếng

Tâm điểm thu hút dự án FDI quy mô lớn vào Việt Nam đang nằm ở lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Trong 7 tháng đầu năm 2020, dự án FDI lớn nhất cả nước là Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu của NĐT Singapore, vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD.

Đặc biệt đầu tháng 8, một thông tin đáng chú ý được UBND tỉnh Khánh Hoà công bố, là việc Tập đoàn Dầu khí Millenium, Hoa Kỳ mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư nhà máy điện và kho cảng chứa LNG tại khu vực nam Vân Phong, với tổng vốn đầu tư 15 tỷ USD. Với quy mô đầu tư khổng lồ như vậy, công suất nhà máy điện lên tới 9.600 MW; cùng với đó là hệ thống kho cảng cấp khí cho nhà máy điện và tổng đại lý phân phối LNG cho cả khu vực Đông Nam Á.

Trước đó tại Diễn đàn Cấp cao năng lượng Việt Nam 2020, một loạt hợp tác triển khai đầu tư các dự án năng lượng đã được ký kết. Điển hình là Copenhagen Infrastructure Partners, Đan Mạch và tỉnh Bình Thuận đã ký Biên bản ghi nhớ phát triển Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với tổng công suất lên đến 3,5 GW, vốn đầu tư 10 tỷ USD.

Những động thái này cho thấy NĐT nước ngoài đang bày tỏ sự quan tâm lớn tới lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam và hứa hẹn sẽ đầu tư nhiều dự án khác trong tương lai. Theo tính toán của Bộ Công thương, Việt Nam ước tính sẽ thiếu khoảng 6,6 tỷ kWh điện vào năm 2021; 11,8 tỷ kWh vào năm 2022 và đỉnh điểm trên 13 tỷ kWh vào năm 2023. Để bù đắp sản lượng thiếu hụt khổng lồ này, theo ước tính sẽ cần khoảng 130 tỷ USD đầu tư năng lượng mới cho đến năm 2030, tương đương mức đầu tư trung bình 12 tỷ USD/năm, trong đó, khoảng 9 tỷ USD dành cho đầu tư nguồn điện và 3 tỷ USD đầu tư lưới điện. Với nhu cầu lớn như vậy, Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn đối với các NĐT năng lượng.

Ông Michael R. Digregorio - Trưởng đại diện của Quỹ châu Á tại Việt Nam cho hay, trên thực tế đã có nhiều dự án năng lượng tái tạo nhỏ của DN hoạt động tại các khu công nghiệp, hoặc các khu công nghiệp tự xây dựng nhà máy năng lượng trong khu vực của mình. Ngoài mua điện từ lưới của EVN, họ có thể tự xây dựng, tự lắp đặt để giảm một phần chi phí của việc mua điện. Do đó, hiện nay không có con số thống kê chính xác về số vốn mà các NĐT đã bỏ vào các nhà máy điện gió và điện mặt trời đang vận hành, nhưng theo ước tính của các chuyên gia, lĩnh vực này đã thu hút khoảng 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư thời gian qua.

Chờ chính sách mở đường

Theo Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp được lên kế hoạch đạt 15 - 20% vào năm 2030 và tăng lên 25 - 30% vào năm 2045, tương ứng tỷ lệ điện năng của năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất là 30% vào năm 2030 và 40% vào năm 2035. Chính vì vậy, Quy hoạch Điện VIII đang đặt ra định hướng phát triển mạnh các nguồn điện sạch và năng lượng tái tạo. Thêm nữa, để đảm bảo an ninh nguồn điện, tạo điều kiện phát triển mạnh nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, cũng cần xem xét quy hoạch cho từng vùng, khu vực nhỏ hơn và kết nối với nhau trong tổng thể chung của quốc gia.

Ông John Rockhold - Trưởng Nhóm Công tác Điện và Năng lượng, thuộc VBF đánh giá, trong tương lai mức công suất về năng lượng tái tạo tại Việt Nam sẽ còn tăng gấp đôi so với Quy hoạch điện VII trước đây. Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra một loạt dự án thí điểm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tuy nhiên còn nhiều hệ thống như điện mặt trời mái nhà được xây dựng và đối với các dự án này là các đơn vị tư nhân xây dựng, lắp đặt tấm pin mặt trời trên mái nhà để tiêu thụ tại chỗ và nếu dư thì bán lên lưới. Vì vậy cần có nhiều cơ chế khuyến khích hơn để khu vực tư nhân tham gia sản xuất theo các mô hình tương tự và làm ra các hợp đồng mua bán giữa đơn vị truyền tải và đơn vị mua bán điện.

Bên cạnh đó, Việt Nam có tiềm năng dồi dào để phát triển hệ thống năng lượng mặt trời. Các dự án năng lượng mặt trời thương mại đã thu hút được các nguồn lực kinh tế nhưng hiện vẫn còn đang bị hạn chế do thiếu hạ tầng lưới điện. Tương tự, thị trường cho các dự án điện gió ngoài khơi và trên đất liền dù hấp dẫn về mặt tài chính nhưng cũng đang bị kìm hãm do năng lực lưới điện chưa đáp ứng được nhu cầu tại một số vùng cụ thể. Do đó nhóm công tác của VBF khuyến nghị, ngoài nhu cầu tăng công suất để hỗ trợ năng lượng tái tạo, Bộ Công thương và các ban, ngành liên quan cần ưu tiên giải pháp ổn định lưới điện, chẳng hạn sử dụng pin lưu trữ, qua đó thu hút đầu tư vào lĩnh vực pin lưu trữ…

  (Theo Thời báo ngân hàng)